Danh mục tạm thời không có.
Công chức tạm thời không có.
Vui lòng chọn mẫu hiển thị
Vui lòng chọn mẫu hiển thị

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH

Xem với cỡ chữ : A- A A+

I. TÀI CHÍNH QUẢNG BÌNH TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẾN NGÀY TÁI LẬP TỈNH (1945- 1989)

Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với sự ra đời của "Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà", ngày 28/8/1945 bộ máy Tài chính Nhà nước được thành lập với chức năng nhiệm vụ phải huy động mọi nguồn lực để vừa nuôi bộ máy Nhà nước, vừa phục vụ sản xuất, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Cũng từ đó ngành Tài chính Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, từng bước trưởng thành về mọi mặt, đóng vai trò to lớn trong việc đảm bảo về vật chất, nguồn lực phục vụ cho quân và dân ta thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thành tựu 20 năm đổi mới của đất nước.

Trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Tài chính Việt Nam, ngành Tài chính Quảng Bình cũng vươn lên theo yêu cầu của lịch sử và đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, của quê hương.

Ngay sau khi giành được chủ quyền, tổ chức bộ máy Tài chính của tỉnh Quảng Bình là một phòng trong Uỷ ban Hành chính tỉnh. Ngân khố của Tỉnh lúc này chỉ còn lại một vài trăm đồng tiền lẻ. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ đã tiến hành xoá bỏ một số loại thuế nô dịch, hà khắc. Trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu cho bộ máy và thực hiện một số nhiệm vụ sau chiến tranh rất bức bách, nguồn thu chủ yếu của Tỉnh lúc này chỉ có thuế rượu. Vì vậy, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh Tỉnh đã phát động phong trào động viên toàn thể nhân dân đóng góp ủng hộ cách mạng. Nhân dân trong Tỉnh từ già đến trẻ, từ miền núi đến miền xuôi, từ đô thị đến nông thôn mọi người đã nhiệt tình tham gia "Tuần lễ vàng", Tuần lễ đồng", góp phần xây dựng "Quỹ độc lập". Bằng nhiều hình thức, nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đóng nộp được 8kg vàng và 4 thùng kim loại đá quý...

Ngày 10/4/1946, Chính phủ ban hành sắc lệnh thuế mới, gọi là "đảm phụ quốc phòng", Nhà nước quy định biểu thuế mới về ruộng đất, thuế môn bài... Để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, Ty thuế quan với bộ máy ở cơ sở ra đời, nguồn thu của Tỉnh đã phần nào giải quyết được những khó khăn ban đầu khi bộ máy chính quyền non trẻ mới thành lập.

Cuối năm 1946 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu, nhân dân ta "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc". Chính sách kinh tế của tỉnh Quảng Bình lúc bấy giờ là động viên nhân dân, dựa vào dân, tự cung, tự túc để hoạt động chính trị, kinh tế, quốc phòng. Trong lúc Ty thuế quan tỉnh phải chuyển về Đồng Lê, Tuyên Hoá thì một số đồn thuế được thành lập thêm để thực hiện nhiệm vụ thu thuế phục vụ chính quyền.

Đầu năm 1950, Ty Tài chính Tỉnh được thành lập trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, Chính phủ đã ban hành 2 sắc lệnh mới: sắc lệnh cho phát hành "công phiếu kháng chiến" (11/4/1948) và sắc lệnh cho phát hành "Công trái quốc gia" (19/9/1950) ghi bằng thóc để đảm bảo giá trị đồng tiền nên tỉnh Quảng Bình có thêm nguồn thu mới. Lúc này ngân sách của tỉnh đã thu được gần 5 triệu đồng bạc "Cụ Hồ".

Tháng 3/1951, thực hiện chính sách của BCHTW Đảng (khoá II): "Phải chấn chỉnh một cách cơ bản toàn bộ công tác kinh tế tài chính, với ba mũi nhọn: Tài chính - Ngân hàng - Mậu dịch; trong đó, công tác tài chính là then chốt". Chính sách Tài chính mới có 7 loại thuế, trong đó thuế nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều quyết định về khắc phục nạn đói do lụt tháng 10/1950 gây ra, thực hiện tăng thu nhưng phải giảm chi; thu thuế đi đôi với giảm biên chế và lập lại kỷ cương kỷ luật chi tiêu ngân sách... Chính nhờ vậy đã giúp cho tỉnh Quảng Bình vượt qua muôn vàn khó khăn, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hoà bình lập lại, nhân dân ta bước vào giai đoạn mới, giai đoạn tái thiết đất nước. Ngành Tài chính đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, một số sắc thuế không còn (Thuế XNK), nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân rất nặng nề. Trong giai đoạn này, ngành Tài chính vừa tham gia cải tạo tư bản tư nhân vừa thực hiện nhiệm vụ thu chi. Nhiệm vụ chi của ngành tài chính cũng được mở rộng: ngân sách phải cấp vốn cho các xí nghiệp quốc doanh, tổ chức tín dụng để cho vay, bổ sung vốn theo phần...

Bộ máy Tài chính của Tỉnh được tăng cường: Phòng Thuế nông nghiệp được tách từ Uỷ ban Hành chính về Ty Tài chính, Chi sở thuế rượu nhập vào Ty Tài chính, một số phòng ban mới được hành lập. Theo đó Chi hàng kiến thiết Quảng Bình cũng được thành lập ngày 27/5/1957 thuộc Ty Tài chính.

Trong giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), ngành Tài chính vừa phục vụ nhiệm vụ xây dựng kinh tế của Tỉnh, đồng thời vừa chi viện sức người, sức của cho miền Nam. 12 cán bộ ngành Tài chính Quảng Bình đã đi vào Nam, trong đó có nhiều đồng chí đã hy sinh. Thu ngân sách giai đoạn này đã tăng khá, năm 1965 tăng gấp 2,17 lần năm 1961; còn chi ngân sách tăng 2,21 lần. Các nhiệm vụ được giao đã hoàn thành xuất sắc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ nổ ra, đất nước đặt trong tình trạng chiến tranh. Chính sách Tài chính có sự chuyển hướng: Thực hiện "Hậu cần tại chỗ", kinh tế gắn với quốc phòng, một số loại thuế được sửa đổi, song mức thu thuế ngày càng tăng. Nhu cầu chi thời gian này tăng nhanh, chúng ta không những chi cho bộ máy Nhà nước, chi cho công tác quốc phòng an ninh mà còn phải bảo đảm cho giao thông vận tải, xây dựng hầm hào, bảo vệ tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước, bảo vệ các cơ sở sản xuất để thực hiện "Hậu cần tại chỗ", xây dựng các kho hàng dự trữ phục vụ cho miền Nam đánh giặc.

Tập thể cán bộ ngành Tài chính trong giai đoạn này đã không tiếc mồ hôi xương máu, nhiều đồng chí đã hy sinh cho sự sống còn của Tổ quốc, sự bình yên của nhân dân. Chính nhờ vậy đã góp phần cùng Tỉnh "vừa xây dựng, vừa chiến đấu", xứng đáng với danh hiệu Bác Hồ đã tặng cho quân dân Tỉnh Quảng Bình "Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi".

Hiệp định Paris được ký kết, chiến tranh ở miền Bắc đã chấm dứt, nhưng nhiệm vụ của ngành Tài chính Quảng Bình phải tăng thu, giảm chi, thực hành tiết kiệm, vừa góp phần tái thiết quê nhà, vừa chi viện đắc lực để giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

II. TÀI CHÍNH QUẢNG BÌNH TỪ NGÀY TÁI LẬP TỈNH ĐẾN NAY (1989-2007)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, năm 1976 Bình Trị Thiên hợp nhất, cán bộ Tài chính Quảng Bình là lực lượng nòng cốt của Ngành Tài chính Bình - Trị - Thiên. Nhiệm vụ Tài chính được xác định "Trước mắt phải xây dựng một ngân sách tích cực, nhằm đảm bảo tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện thống nhất thị trường giá cả, thống nhất chế độ tài chính trong cả nước". Một số thuế mới được ban hành, một số thuế được sửa đổi, bổ sung, chế độ phân cấp tài chính ra đời. Tiềm lực kinh tế của huyện được tăng cường, ngân sách huyện ngày càng lớn mạnh. Ngân sách của Tỉnh, của huyện phục vụ đắc lực cho khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng đất trong thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH; các công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện... đã được xây dựng mới. Tuy nhiên các thế lực thù địch thực hiện kế hoạch bao vây cấm vận chúng ta nên đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất của ngân sách tỉnh Quảng Bình.

Sau 13 năm hợp nhất, tháng 7/1989 Quảng Bình trở về với địa danh củ. 85 cán bộ của ngành Tài chính Quảng Bình trở về với một ngân sách quá ít ỏi (202 triệu đồng cho toàn bộ chi tiêu của Tỉnh). Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ngành Tài chính phải triển khai ngay các nhiệm vụ: Từ hình thành tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ đến triển khai nhiệm vụ thu, thực hiện nhiệm vụ chi. Tất cả vì mục tiêu xây dựng Quảng Bình giàu đẹp.

Sở Tài chính tỉnh được thành lập từ tháng 7/1989. Bộ máy tổ chức có 6 phòng và 04 đơn vị trực thuộc: Chi Cục Thuế, Ban Vật giá, Công ty Xổ số Kiến thiết, Trường Trung học Kinh tế Quảng Bình. Trong cùng hệ thống ngành Tài chính Bộ Tài chính thành lập Công ty Bảo hiểm tỉnh Quảng Bình.

Hơn mười bảy năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, tổ chức bộ máy của ngành Tài chính Quảng Bình được củng cố và phát triển. KBNN ra đời từ 01/4/1990 (tách hệ thống quản lý quỹ ngân sách Nhà nước từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh và một bộ phận của cán bộ quản lý ngân sách); tháng 10/1990 thành lập Cục Thuế Nhà nước tỉnh Quảng Bình trên cơ sở chuyển phòng thu quốc doanh và phòng Thuế Nông nghiệp của Sở Tài chính. Cục Đầu tư Phát triển ra đời 01/10/1994 trên cơ sở Phòng Đầu tư của Sở Tài chính và một số bộ phận của ngân hàng đầu tư. Đầu năm 2000, Cục Đầu tư - Phát triển giải thể, một bộ phận của Cục Đầu tư phát triển chuyển về Sở Tài chính để lập Phòng Đầu tư, một bộ phận chuyển về Kho bạc Nhà nước để lập phòng Quản lý thanh toán vốn XDCB, số còn lại lập Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển. Tháng 10/1995 thành lập Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại Doanh nghiệp nhà nước. Tháng 10/1999 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính sáp nhập Cục Quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp vào Sở Tài chính, thành lập Phòng Tài chính Doanh nghiệp.

Đến nay ngành Tài chính Quảng Bình có 5 đơn vị (Sở Tài chính, Cục Thuế, KBNN, Cục Hải quan, Dự trữ Quốc gia Khu vực Bình Trị Thiên); hoạt động theo 02 hệ thống: ngang và dọc.

Đội ngũ cán bộ ngành Tài chính Quảng Bình cũng ngày càng lớn mạnh: từ 160 người (bao gồm cán bộ các huyện, thị xã) lúc mới chia tách tỉnh, nay đã gần 900 người. Ngoài ra, trên địa bàn Quảng Bình còn có một số doanh nghiệp thuộc ngành Tài chính quản lý, như Công ty XSKT, Công ty Bảo Việt, Công ty Bảo Minh, Công ty Bảo hiểm nhân thọ.

Hơn mười bảy năm qua, ngành Tài chính Quảng Bình đã tham mưu đắc lực cho UBND các cấp khai thác mọi nguồn thu, triển khai tốt các Luật Thuế, tìm mọi biện pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước; đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường bình đẳng trong sản xuất kinh doanh. Chính nhờ vậy, tổng số thu ngân sách trên địa bàn ngày càng tăng, nếu như năm 1990 chỉ thu được 14,2 tỷ đồng, thì năm 2006 thu được 629 tỷ đồng, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 25%.

Cùng với nguồn thu trên địa bàn, ngành Tài chính đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nên đã đáp ứng được những nhu cầu chi thiết yếu. Số chi ngân sách địa phương tăng từ 34,4 tỷ đồng (năm 1990) lên 1.670.0 tỷ đồng (năm 2006), tốc độ tăng chi hàng năm là 25%.

Mặt khác, ngành Tài chính Quảng Bình thực hiện nhiệm vụ dự trữ với hàng vạn tấn lương thực, các phương tiện thiết bị cứu hộ cứu nạn phục vụ kịp thời tại chỗ cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, cứu đói, quốc phòng an ninh.... đồng thời công tác dự trữ cũng góp phần bình ổn giá.

Ngành Tài chính Quảng Bình trong nhiều năm qua đã tham mưu cho UBND các cấp bố trí chi tiêu hợp lý, có hiệu quả, đầu tư ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời bố trí ngân sách cho y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội ngày càng tăng... Chính nhờ vậy đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 8 đến 10%. Sản lượng lương thực năm 2006 đã tăng gần gấp đôi so với năm 1990. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 15% (năm 1990) lên 30% (năm 2006), giá trị sản xuất nông nghiệp giảm từ 42% (năm 1990) xuống còn 32,5% (năm 2006). Đời sống nhân dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; hệ thống thuỷ lợi phát triển mạnh; hệ thống giao thông được mở rộng, nâng cấp đầu tư mới; hệ thống trường học được kiên cố; các cơ sở y tế được đầu tư mở rộng; 95% các xã, phường có điện; hệ thống phát thanh truyền hình đã phủ sóng hầu hết các vùng trong tỉnh.

Trải qua hơn 60 năm, ngành Tài chính Quảng Bình đã có những bước trưởng thành nhanh chóng. Các đơn vị trong hệ thống Tài chính đã phấn đấu liên tục, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần phục vụ tích cực cho sự nghiệp CNH - HĐH của đất nước và của Tỉnh. Vì vậy, ngành Tài chính Quảng Bình được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 17 Huân chương Lao động, trong đó: 03 Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể cán bộ, công chức Sở Tài chính, Dự trữ quốc gia Khu vực Bình Trị Thiên và Cục thuế; 06 Huân chương lao động hạng ba cho tập thể cán bộ, công chức Sở Tài chính, KBNN, Cục thuế, Chi cục thuế Bố Trạch và 08 huân chương lao động Hạng III cho 01 cán bộ công chức thuộc Sở Tài chính, 4 cán bộ công chức thuộc Ngành thuế, 01 cán bộ công chức thuộc Cục Hải quan, 02 cán bộ công chức thuộc dự trữ quốc gia khu vực Bình Trị Thiên, 01 cán bộ công chức thuộc Kho bạc Nhà nước... Ngoài ra, Ngành Tài chính còn được Bộ Tài chính, các Bộ, Ngành ở Trung ương và UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và các danh hiệu thi đua khác cho tập thể và cá nhân. Đặc biệt, với những thành tích đạt được từ năm 2000 đến 2004 cán bộ công nhân viên chức Sở Tài chính đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì; với chiến công trong vụ thu giữ 199 bánh hêrôin, bắt giữ đối tượng và các tang vật khác, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba; Dự trữ quốc gia Khu vực Bình Trị Thiên được nhận cờ thi đua của Chính phủ tặng cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2004 của Bộ Tài chính.

Để đảm đương nhiệm vụ nặng nề qua suốt các thời kỳ cách mạng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình luôn coi trọng việc xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ ngành Tài chính cả về số lượng và chất lượng. Ngay từ những ngày đầu mới giành được độc lập, với tầm quan trọng của công tác Tài chính, năm 1945, Tỉnh ủy đã đặc biệt quan tâm cử các đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh Uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tỉnh ủy viên làm Trưởng Ty, Giám đốc Sở Tài chính...; các huyện, thị xã cũng cử những đồng chí có trọng trách với cương vị tương đương trong Cấp uỷ, chính quyền làm Trưởng phòng Tài chính huyện, thị xã. Từ đồng chí Nguyễn Văn Đồng (tức Đồng Sỹ Nguyên), chủ nhiệm Việt Minh Cô Tám làm uỷ viên Tài chính của Đảng, các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy như Đinh Văn Ích, Nguyễn Hữu Duật, đến các đồng chí Lê Thân, Vũ Văn Giáo, Đinh Phú Duệ, Phạm Quang Lịch, Trần Xuân Cảnh, Nguyễn Văn Lung, Đoàn Xuân Triếm và các đồng chí lãnh đạo ngành Tài chính hiện nay đã chứng minh cho sự chăm lo của các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền đối với tổ chức cán bộ ngành Tài chính.

Các tin khác

 

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 800

  • Tổng 2.137.525