Danh mục está temporariamente indisponível.
Công chức está temporariamente indisponível.
Vui lòng chọn mẫu hiển thị
Vui lòng chọn mẫu hiển thị

5 tháng đầu năm 2018: Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực7

Font size : A- A A+
      Chiều ngày 2/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan.

 Xếp hạng tín nhiệm tăng

Thông báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra cùng ngày tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp, Chính phủ cho rằng, kinh tế-xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm ra nhiều giải pháp, cách làm hay; có thể nói đã hình thành một không khí thi đua tăng trưởng, phát triển mới trên cả nước.

image

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng 
tại họp báo thường kỳ tháng 5/2018

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ. CPI bình quân năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 6,6%). Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 11,8%. Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ, tiêu dùng nội địa tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (ước đạt 93,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ.

Những kết quả đạt được thể hiện nỗ lực, cố gắng lớn của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao triển vọng của Việt Nam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 53,9 điểm, cao nhất trong khu vực ASEAN. Trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ chức đánh giá tín dụng Fitch dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, sản xuất tiếp tục khởi sắc và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh. Fitch đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trong số các nước có cùng mức xếp hạng “BB”. Fitch cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chủ yếu là do Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết kiềm chế nợ công và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, theo Người phát ngôn của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể.

Có thể kể đến như: Mặc dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc, phục hồi nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống 0,88%), tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện vốn đầu tư 5 tháng mới đạt 28,7% kế hoạch). Việc thu hút đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn, thách thức lớn. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và tăng thêm giảm 30,8% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn (5 tháng có trên 5.500 doanh nghiệp giải thể, tăng 18,1% và gần 33.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 3,9%). Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được triển khai triệt để, nhiều bộ ngành chưa quyết liệt.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết 01, 19, 35 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Tinh thần là phải quyết liệt vào việc, quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương; xử lý các vấn đề đặt ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt;

Trong đó, mục tiêu tăng trưởng có thể đạt được nhưng chúng ta vẫn phải bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Chúng ta không được chủ quan, cần phải nỗ lực quyết tâm cao, cùng với những giải pháp đã đề ra, phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 6,7% nhưng phải bảo đảm kiểm soát lạm phát. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành để làm sao lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước), phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công... tiếp tục phấn đấu để đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp như Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã đề ra.

Tiếp tục triển khai các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công, tài chính-ngân sách; tín dụng-tiền tệ; nông nghiệp và nông thôn; xây dựng; giao thông vận tải; dịch vụ, du lịch; văn hóa, xã hội, môi trường, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; cải cách hành chính; quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Chủ động xử lý các vấn đề xã hội bức xúc như đã nêu.

Thanh tra, xác minh rõ các vụ việc bán đất công giá rẻ

Phần hỏi đáp của cuộc họp báo cũng khá sôi nổi. Trả lời báo chí về việc xử lý một số vụ đất công bán giá rẻ bị phanh phui khiến dư luận bất bình thời gian qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Vấn đề đất công bán giá rẻ, bán chỉ định thầu hay không đấu thầu, gây thất thoát là vấn đề Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư rất quan tâm và làm quyết liệt.

Với Chính phủ, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo nhiều cuộc giao thanh tra các cơ quan Trung ương yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra xác minh làm rõ các vấn đề liên quan đến dư luận khi có thông tin. Tinh thần phải minh bạch, công khai, thu lại cho Nhà nước lợi ích cao nhất. Ngày 20/4 vừa rồi Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc liên quan đến chính sách, thủ tục đầu tư xây dựng để thúc đẩy giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng tháo gỡ khó khăn.

image

Toàn cảnh phiên họp

Trong báo cáo của cơ quan thanh tra cũng nêu rõ trong lĩnh vực này cũng có những thất thoát rất lớn liên quan đến đất công, tài sản công, bán chuyển nhượng với giá rẻ, bán chuyển nhượng theo chỉ định thầu, bán chuyển nhượng theo chỉ thị, đấu giá không công khai, liên quan đến lợi ích nhóm… khiến thất thu cho ngân sách Nhà nước rất lớn.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu thanh tra kiểm tra rà soát thất thoát. Nếu có thì làm rõ để công khai. Từ nay trở đi dứt khoát không còn tình trạng này, dứt khoát phải có đấu giá minh bạch để mọi người được tham gia, người dân được giám sát. Mục tiêu là công khai minh bạch, thu lại để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước cao nhất.

Cũng đề cập một vụ việc đang gây xôn xao dư luận là câu chuyện dự án Sào Khê ở Ninh Bình tăng 36 lần tổng vốn đầu tư, các phóng viên thắc mắc về cách nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giải đáp, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết: Quá trình triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án kéo dài thời gian thực hiện thì cũng bị tăng tổng vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân. Đối với dự án này, nguyên nhân là do thay đổi về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như quy mô của dự án. Quá trình thực hiện kéo dài rất lâu và trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã có rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra như thanh tra Bộ Tài chính (2005), Thanh tra Chính phủ (2012), Kiểm toán Nhà nước (2017).

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan đầu mối, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình có báo cáo chi tiết về quá trình triển khai dự án này cũng như quá trình thực hiện. Trên cơ sở báo cáo chi tiết đó, chúng tôi xem xét có cần thiết phải thanh tra, kiểm tra một cách cụ thể, chi tiết hay không để có kiến nghị phù hợp” - ông Mạnh nói.

Trả lời về tiến độ thoái vốn ở Công ty Rượu Bia Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng như nguyên nhân “chậm trễ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay là hợp đồng đã ký kết với Carlsberg. Khi chúng ta thực hiện thoái vốn thì đầu tiên phải ưu tiên cam kết giữa hai doanh nghiệp Habeco và Carlsberg, phải ưu tiên họ trước trong việc mua cổ phần của Nhà nước. Đây là vấn đề mà Bộ Công Thương đã phải lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị của Bộ Công Thương.

Theo ông Hải, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện và thường xuyên báo cáo cập nhật vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng trực tiếp phụ trách vấn đề thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. “Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất đối với doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp khác mà ngành công thương đang phải thực hiện, sẽ thực hiện theo chỉ đạo và lộ trình thoái vốn cũng như cổ phần hóa mà Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo đã giao cho chúng tôi” - đại diện Bộ Công Thương nói.

Một số vấn đề khác như các sai phạm của lãnh đạo ngành ngân hàng, việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ, việc các dự án thực hiện chậm tiến độ,...do báo chí đặt ra cũng đã được đại diện các bộ, ngành giải đáp thấu đáo tại cuộc họp báo.

V.V

More

VĂN BẢN MỚI

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 7815

  • Tổng 3.052.558